ĐỨC BÀ ĐOÀN QUÝ PHI (1601 - 1661) 

ĐỨC BÀ ĐOÀN QUÝ PHI (1601 - 1661) 

Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc mà nhân dân Quảng Nam quen gọi một cách thân kính là Đoàn Quý Phi. Bà là hậu của Chúa thượng Nguyễn Phúc Lan tức Hiếu Chiêu Hoàng Đế (1563 1648) và là mẫu hậu của Chúa Nguyễn Phúc Tần tức Hiếu Triết Hoàng Đế (1648 1687).

Đức bà Đoàn Quý Phi là con gái thứ ba của Thạch Quận Công Đoàn Công Nhạn và bà thứ thất Võ Thị Thành. Đức Bà sinh năm 1600 tại thôn Điện Châu, châu Đông Yên, bên bờ Sài Thị Giang (tức Sông Chợ Củi, nay là sông Thu Bồn), thuộc huyện Duy Xuyên. Ngày xưa làng Đông Yên kéo dài từ Chiêm Sơn (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cho đến Chợ Củi (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn). Đức Bà là em gái của Quốc Cựu Sầm Oai Hầu Đoàn Công Quảng, trưởng phái nhất, chi phái nhất của tộc Đoàn ở Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1615, lúc ấy bà là một thôn nữ hiền thục, chăm làm. Có lần, vào một đêm trời trong, trăng sáng, thôn nữ họ Đoàn vừa hái dâu bên bãi vừa hát. Lúc đó, công tử Nguyễn Phước Lan (là Thái tử trấn thủ dinh Quảng Nam) cùng cha là chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên du ngoạn trên sông Thu Bồn gần gành Điện Châu (An Phú Tây ngày nay). Nghe tiếng hát trong trẻo, thanh tao của một thôn nữ, công tử Nguyễn Phước Lan cho người hỏi tìm rồi sau đó hai người cùng kết duyên vào năm 1617. Từ đó, Đoàn Thị Ngọc chuyển về sống tại dinh trấn Thanh Chiêm. Tại đây, bà được nhân dân biết đến với tên gọi là Đoàn Quý phi.

Năm 1635, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên qua đời, Thái tử Nguyễn Phước Lan trở thành chúa thượng, bà Đoàn Thị Ngọc trở thành Vương phi và thân phụ bà được phong tước Thạch Quận công. Bấy giờ, chúa Nguyễn Phước Lan dời phủ chúa từ làng Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) về làng Kim Long ở Phú Xuân.

Đoàn Quý Phi sinh hạ được ba hoàng tử, trong đó các hoàng tử Nguyễn Phúc Võ và Nguyễn Phúc Quỳnh đều mất sớm, hoàng tử Nguyễn Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành thế tử. Công chúa út là Nguyễn Phúc Ngọc Dung.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần ngay thời còn là Lễ Dũng Hầu, quan quản lảnh Quảng Nam dinh, đã tỏ ra là một con người am hiểu binh pháp, vũ dũng và giỏi chiến trận, đã có công lớn trong việc đánh tan hạm đội Hà Lan dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Peter Back âm mưu đánh phá cảng thị Hội An vào năm 1644. Về sau Thế Tử Nguyễn Phúc Tần trở thành Chúa Hiền năm...

 Thời gian sống ở Quảng Nam, bà được nhân dân hết mực yêu mến, quý trọng. Bà là người có công khuyến khích, ủng hộ nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhờ vậy mà nghề này có điều kiện mở mang ở Đàng Trong. Bấy giờ, nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trừu, sa được mua bán trong nước và cả với nước ngoài qua cảng Hội an (ở Quảng Nam). Qua đó góp phần làm giàu và quảng bá mặt hàng thủ công nổi tiếng này. Vào cuối đời, bà rời phủ chúa Kim Long (Thừa Thiên Huế) trở về sống ở dinh trấn Thanh Chiêm cùng với con cháu trên quê hương của mình.

Cũng từ đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa Nguyễn đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI XVII nối liền Tây Âu và Viễn Đông. Và Bà Đoàn Thị Ngọc Phi trở thành “Bà Chúa Tầm Tang “ ở Đàng Trong. Các cô gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa ở quê hương Bà đã từng hát:

Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều

Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng...

Nương dâu xanh thắm quê mình

Nắng lên Gò Nổi đượm tình thiết tha

Con tằm kéo kén cho ta

Tháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời...

Đức Bà mất ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu, tức ngày 12.7.1661 tại Dinh Trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn), về sau được Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) truy phong là Trinh thục Từ Tĩnh Duệ Mẫn.

Chúa Nguyễn Phúc Tần, đã làm lễ an táng trọng thể cho Mẫu hậu tại Gò Cốc Hùng và xây Lăng Vĩnh Diên (nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) đồng thời lập nhà thờ Đức Bà tại Đông Giáp, châu Đông Yên bên bờ Sài Thị Giang. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cũng cấp năm mẫu đất tự đường tại làng Phú Trang (nay thuộc xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn) lấy hoa lợi dùng vào việc chăm sóc, tu bổ cho Lăng mộ và Nhà thờ và phong cho ông Đoàn Công Quảng là Lễ Nghĩa Hầu Tiền Xung Bát Đội Chánh Đội trưởng đảm đương việc này.

Trong “Đại Nam Nhất Thống Chí “ quyển 5 viết về Quảng Nam, đã ghi lại vị trí tọa lạc của các Lăng mộ của hai Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai và Đoàn Thị Ngọc Phi như sau: “ Lăng Vĩnh Diễn phía Nam núi Hàm Long, xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Đây là Lăng của Hiếu Văn Hoàng Hậu Nguyễn Thị. Lăng Vĩnh Diện ở phía Tây Gò Hùng, thôn Thượng Cốc, xã Chiêm Sơn. Đây là Lăng của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi “.

Lăng Vĩnh Diện, mộ phần của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi (1601 1661) mà nhân dân địa phương quen gọi là Lăng Trên, tọa lạc trên một khu đất cao, gọi là Gò Hùng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Lăng được xây dựng vào năm 1661 và toàn bộ khu vực Lăng rộng 4 sào 2 thước 7 tấc, ứng với lô đất số hiệu 2583 theo địa bộ xã Duy Trinh (2). Lăng này được đặt tên là Vĩnh Diện vào năm Gia Long thứ 5 (1806) và được tu bổ vào năm Gia Long thứ 13 (1814).

Lăng Vịnh Diện được bao bọc bởi hai lớp thành bảo vệ cao khoảng 1 mét, dày khoảng 0,8 mét: bên ngoài là bảo thành ngoại và bên trong là bảo hành nội, phía sau ở chính giữa các thành này đều có bia tẩm. Trên các bia tẩm này không thấy ghi một chữ Hán nào mà chỉ có phù điêu hình mây cuộn, kỳ lân trông rất ngoạn mục. Các thành bảo vệ đều bị hư hại nặng, chỉ còn vài đoạn ngắn nhưng cái bia tẩm vẫn còn. Ở giữa Lăng là mộ chí của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà đến nay vẫn còn nguyên vẹn theo kiểu kiến trúc cổ xưa. Còn Lăng Vĩnh Diễn là mộ phần của Hiếu Văn Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai (1578-1630) được nhân dân địa phương gọi là Lăng Dưới, cũng tọa lạc trên một khu đất cao gọi là Gò Hàm Rồng cũng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, cách Lăng Vĩnh Diện, Lăng Trên hơn nửa cây số. Khu vực Lăng này, ngày xưa rộng gấp đôi Lăng Trên, có diện tích 8 mẫu 4 sào 5 tấc, ứng với lô đất số hiệu 1220 theo địa bộ xã Duy Trinh (2). Niên đại xây dựng Lăng này có lẽ vào cuối năm 1630, vì Hoàng Hậu mất vào ngày mồng 9 tháng 11 năm Canh Ngọ, tức ngày 12-12-1630 tại dinh trấn Thanh Chiêm(5).

Trong địa phận Lăng Trên còn có mộ của công chúa út của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Theo hồi cố của bà con tộc Đoàn xã Duy Trinh, công chúa này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung, có dị tật bẩm sinh. Lúc sinh thời, công chúa đã hạ giá với Chưởng Cơ của triều đình tên là Minh và đã mất sớm.

Phần mộ của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung không rộng lắm và ứng với lô đất số hiệu 698 của địa bộ xã Duy Trinh.

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí “ thì Lăng Vĩnh Diễn cũng được đặt tên vào năm 1806 và tu bổ vào năm 1814 cùng một lúc với Lăng Vinh Diện.

Trước đây, bên ngoài khu vực của hai Lăng, Chúa Nguyễn còn xây dựng một công trình kiến trúc gọi là Chùa Vua là nơi thờ phụng hai Hoàng Hậu nói trên có vườn cây bao quanh gọi là Vườn Chùa mà nay không còn nữa. Ở đây, trước kia luôn luôn có Đội Cận Vệ

Hoàng Gia, gồm khoảng hai mươi người, thường là con cháu họ Đoàn, có nhiệm vụ bảo vệ các khu Lăng và lo việc thờ cúng.

Diện tích Vườn Chùa khá rộng, đất bên trong thành bao bọc chùa rộng 3 sào 0 thước 9 tấc, đất bên ngoài thành là vườn trồng hoa cảnh, cây ăn trái rộng 5 sào 4 thước 4 tấc ứng với lô đất số hiệu 2281 theo địa bộ xã Duy Trinh.

Ngoài ra, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan còn cấp thêm tư điền làm hương hỏa cho hai Hoàng Hậu họ Mạc và họ Đoàn ở địa phương để con cháu chăm lo hương khói cho hai bà Tư Điền mà Chúa Nguyễn đã cấp trước đây cho Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai là 4 mẫu 8 sào 12 thước thuộc làng Kiệu Đông và làng Kiệu Tây, huyện Duy Xuyên và 2 mẫu thuộc làng Hương Quế huyện Quế Sơn.

Trận lụt lớn của Sài Thị Giang xảy ra vào năm Canh Thìn 1680 thời vua Chánh Hòa Lê Hy Tông (1676-1705) tức năm Chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 32, gây xoáy lở ngay giữa làng Đông Yên, cắt đôi làng Đông Yên thành hai phần là Đông Yên Tây và Đông Yên Đông và sau trận đại hồng thủy này nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đã bị hủy hoại.

Đến thời Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) vào khoảng năm 1730, Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu được xây dựng lại lần thứ hai trên đất Đông Yên Đông và lùi xa bờ Sài Thị Giang.

Một thời gian sau, do dòng Sài Thị Giang xói lở một lần nữa, nhà thờ Đức bà lại bị hư hại phần tiền sảnh.

Sau khi nổi lên ở Bình Định năm 1771, quân Tây Sơn chiếm Quảng Nam vào cuối năm 1774 và đã triệt phá hoàn toàn nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và chùa Bảo Châu Sơn Tự ở Trà Kiệu do Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1617.

Sau khi đánh thắng quân Tây Sơn thống nhất đất nước và lên ngôi năm 1802, vua Gia Long (1802 1820) đã cho xây lại nhà thờ Đức Bà khang trang hơn trước tại Bãi Bắc ở Đông Yên Đông.

Đến đời vua Tự Đức (1847-1883) ra chỉ dụ chia tách làng Đông Yên thành hai làng, phần thứ nhất nằm ở phía bắc Sài Thị Giang Đông Yên Đông gọi là Đông Giáp sáp nhập vào phủ Điện Bàn (nay gọi là Đông Khương thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) và phần đất nằm ở phía nam Sài Thị Giang Đông Yên tây gọi là Tây Giáp sáp nhập vào huyện Duy Xuyên (nay là xã Duy trinh, huyện Duy Xuyên). Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu hiện nay nằm trên làng Đông Khương, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

Đến năm thứ sáu đời vua Thành Thái (1889-1907), năm Nhâm Thìn 1894, vua ra chiếu chỉ ban cho phái nhất, chi nhất tộc Đoàn ở làng Đông Khương 1.000 lạng bạc để xây dựng lại hậu tẩm nhà thờ Đức Bà lâu ngày bị xuống cấp.

Từ đó đến nay, nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đã được nhiều lần trùng tu. Dưới thời vua Bảo Đại (1926-1945), nhà thờ Đức Bà đã được trùng tu vào năm Bảo Đại thứ năm, năm Canh Ngọ 1930.

Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, bà con tộc Đoàn đã đóng góp tiền để trùng tu nhà thờ Đức bà vào năm Mậu Tuất 1958.

Sau khi miền Nam được giải phóng và thống nhất nước nhà năm 1975, đến năm 2000, nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu bị xuống cấp nặng làm tường vôi bị bong lở, cột kèo bị mối mọt khá nhiều, Hội đồng Gia tộc tộc Đoàn đã huy động con cháu trực thuộc hệ Đông Khương đóng góp tiền và tiến hành trùng tu lớn, làm cho nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu được khang trang như hiện nay.

Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu nằm ở bên phải Quốc lộ 1 theo hướng bắc nam khoảng 100m trên một khu đất cao. Bước qua các bậc tam cấp là một sân hình chữ nhật lát gạch vuông. Giữa sân là tấm bình phong mà ở giữa đắp nổi hình lân nạm sành sứ nhiều màu sắc và hai bên là hình hai con phượng đứng chầu cũng nạm sành sứ sặc sỡ.

Qua sân, bước lên tam cấp là gian thờ chính Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Trên đỉnh mái ngói âm dương đắp hình lưỡng long chầu nguyệt khá lớn với màu sắc lộng lẫy trông rất đẹp mắt.

Mặt tiền của nhà thờ là bốn trụ tròn bằng gạch to trên đó tô đắp hình bốn con rồng lớn mình bao quanh lấy cột, thân và đầu lẫn trong mây cuộn trông rất hoành tráng. Hậu tẩm chia thành ba gian, đặt ba bàn thờ. Ở gian giữa là nơi đặt bàn thờ của Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu với bát nhang, chân đèn, lư hương cổ kính. Ở giữa hương án sơn son thếp vàng đặt thần vị của Hoàng Hậu được phủ tấm lụa điều. Trên thần vị ghi các dòng chữ Hán: “Tiền Triều Thánh Mẫu Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu “.

Phía trước thần vị của Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu là Bài vị của người anh ruột của Hoàng Hậu, trên đó ghi các dòng chữ Hán: “ Tiền Triều Quốc Cựu Sầm Oai hầu Đoàn Công Quảng “. Ở gian bên phải, trên bàn thờ đặt Bài vị của ông Nghĩa Sơn Hầu là con trai cả của Sầm Oai Hầu. Ở gian bên trái, trên bàn thờ đặt hai Bài vị của hai người cháu ruột của Hoàng Hậu.

Trong hậu tẩm có nhiều liễn đối bằng gỗ ghi chữ Hán thiếp vàng. Trên hai cột ở hai bên gian giữa của hậu tẩm treo câu đối chữ Hán của vua Thành Thái năm thứ sáu, 1894, cúng phụng có nội dung ca ngợi công đức của Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu:

Tấn cung đức hậu phụ quốc phong công truyền Nam Sử

Khai sáng công cao tí dân vĩ tích tráng Đông Châu.

Tạm dịch:

Vào cung đức hậu giúp nước công to truyền Nam Sử

Mở mang công lớn thương dân tích lớn mạnh Đông Châu.

Trên một đôi cột ở các góc hậu tẩm treo một câu đối chữ Hán khác, do vua Bảo Đại năm thứ mười một, 1936, cúng phụng, cũng có nội dung ca ngợi công đức của Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu:

Thi châu bộ đại dư đồ thánh mẫu mở nền truyền Nam Sử

Phục từ đường bắc hạ xứ tôn lăng kế tập tráng Đông Châu

Tạm dịch:

Bản đồ địa bạ đất Thi Châu thánh mẫu mở đường truyền Nam Sử

Dựng lại từ đường nơi Bắc Hạ tôn lăng noi dấu mạnh Đông Châu.

Trên một đôi cột còn lại, treo một đôi câu đối chữ Hán cũng có nội dung ca ngợi công đức của Đức Bà Hiếu Chiêu:

Hoàng thích công thần trọng ư triều trọng ư quân

Khai cơ kiến bộ giáp chi đông giáp chi tây

Tạm dịch:

Họ ngoại công thần nhà vua trọng trong triều trọng ngoài quận

Khai cơ lập họ giáp đến tận Đông giáp đến tận Tây.

Đối với nhân dân xứ Quảng, Bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi Hiếu Chiêu Hoàng Hậu là một nhân vật lịch sử được nhân dân địa phương rất kính ngưỡng bởi mối tình tuyệt đẹp của Bà cũng như công lao to lớn của Bà trong nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa trên quê hương. Bởi vậy, nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu là một di tích địa danh lịch sử được người dân xứ Quảng hết sức quan tâm.

Theo “ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên “, đến năm 1744, Thế Tôn Hiên Võ Hoàng Đế, tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã truy dâng Bà Đoàn Quý Phi là Trinh Thục Từ Tỉnh Huệ Phi và sau đó thêm hai chữ Mẫu Duệ. Vua Gia Long, sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, năm 1806 lại truy tôn Bà Là Trinh Thục Từ Tỉnh Mẫu Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và khắc tên lên Kim Sách của Hoàng Tộc và tôn hiệu này được thờ chung với Hiếu Chiêu Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) vào gian thứ nhất bên phải của Thái Miếu ở Huế.

Có lẽ công đức đối với nghề trồng dâu dệt lụa trên quê hương cũng như thiên diễm tình một thời vang dội của Bà Chúa Tầm Tang còn lưu lại cho mãi đến tận nay mà các cô gái trên quê hương bà vẫn hát:

Thuyền rồng mái đẩy đi đâu

Để cho em đứng hái dâu một mình...!

Năm 1744, Võ Vương Nguyễn Phước Khoát đã truy dâng bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi, về sau thêm hai chữ Mẫn Duệ thành Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi Mẫn Duệ.

Năm 1806, vua Gia Long truy tôn bà là Hoàng hậu với vương tước: “Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu “ và khắc tên lên kim sách (sách bằng vàng) của hoàng tộc và tôn hiệu này được thờ phụng với Hiếu Chiêu Hoàng đế (chúa thượng Nguyễn Phước Lan) ở Thái Miếu (Huế).


Bằng xếp hạng di tích Quốc gia với lăng mộ bà Đoàn Quý Phi 

Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu được xây dựng lại lần thứ hai trên đất Đông Yên Đông và lùi xa bờ Sài Thị Giang.

Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu

Lăng mộ 

Lăng Vĩnh Diên (nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên)

Lăng Vịnh Diện được bao bọc bởi hai lớp thành bảo vệ cao khoảng 1 mét, dày khoảng 0,8 mét: bên ngoài là bảo thành ngoại và bên trong là bảo hành nội, phía sau ở chính giữa các thành này đều có bia tẩm.

Phần mộ của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung không rộng lắm và ứng với lô đất số hiệu 698 của địa bộ xã Duy Trinh.


Sơ đồ khu Lăng mộ được quy hoạch và xây dựng

Ảnh lăng mộ đang được xây dựng